Khách Tây: 10 điều cần biết trước khi đến Việt Nam



HA
Hải Anh

Khách Tây: 10 điều cần biết trước khi đến Việt Nam

Phóng viên AFP Marybeth Bond khuyến cáo khách Tây nên học từ “thịt chó”, “thịt mèo” và “tiểu hổ” để không ăn nhầm.

1. Qua đường: Để vượt qua thử thách khó nhằn này, bạn hãy từ từ hòa vào dòng xe dưới đường, giữ tốc độ ổn định, đừng do dự, đừng dừng lại, đừng nhắn tin bằng điện thoại hoặc xem bản đồ khi sang đường. Dòng xe cộ sẽ tự động điều chỉnh theo bạn.

 
Sang đường ở Việt Nam là một thử thách bất cứ du khách nào cũng phải đối mặt.

2. Cẩn thận với thịt chó, thịt mèo: Bạn sẽ rất dễ ăn phải nếu không để ý. Hãy học trước tiếng Việt cho 2 từ này để có thể phân biệt. Mặc dù năm 1997 đã có luật không tiêu thụ thịt mèo, món này vẫn xuất hiện rất nhiều. Người ta còn buôn lậu mèo từ Trung Quốc và Lào về Việt Nam. Trong thực đơn, thịt mèo được gọi là “tiểu hổ”.

3. Tiền Việt: Tỷ giá USD/đồng là khoảng 21.734. Khách nước ngoài phải cố gắng lưu ý đến con số để tip cho chính xác. Bí quyết là bạn nên nhớ màu sắc của từng loại tiền để tránh nhầm lẫn.

 
Tiền Việt có nhiều mệnh giá nên rất dễ nhầm.

4. Phát âm đúng từ “phở”: Đây là món ăn thơm ngon có ở mọi nơi. Bạn nên cố gắng học cách phát âm đúng từ này để tránh bị hiểu lầm khi gọi món.

5. Chuẩn bị đồ theo mùa: Vào mùa hè, thời tiết ở Việt Nam nóng ẩm, vì vậy bạn có thể bỏ đồ jeans ở nhà. Vào mùa đông, miền Bắc Việt Nam rất lạnh, bạn nên mang một chiếc áo khoác dày. Hãy xem dự báo thời tiết trước khi lên đường, đồng thời nên mang theo một chiếc ô đề phòng trời mưa.

6. Hỏi giá taxi, hướng dẫn viên trước: Nếu nhóm của bạn có 3 người, giá có thể bằng hoặc rẻ hơn mua tour nếu bạn tự thuê xe và hướng dẫn viên. Khi tổ chức tour riêng, bạn có thể tự quyết định khi nào rời khách sạn, ăn ở đâu, đi mấy nơi, khi nào quay lại khách sạn…, còn với tour theo đoàn, bạn không thể làm được điều này.

7. Cẩn thận taxi dù: Ở sân bay có rất nhiều taxi lừa đảo. Bạn nên đặt taxi ở khách sạn để tránh bị tính tiền quá đắt. Bạn cũng không phải trả phí cầu đường, vì vậy nếu lái xe yêu cầu bạn trả thì hãy từ chối. Các tài xế ở Việt Nam thường không tuân theo luật giao thông. Hãy đề nghị họ không nói chuyện điện thoại trong lúc lái xe, vì họ có thể lái nhầm đường và tính tiền cao hơn thực tế, chưa kể còn rất nguy hiểm nữa.

8. Hộ chiếu ít nhất còn hạn 6 tháng: Bạn cần chắc chắn rằng hộ chiếu của bạn còn hạn 6 tháng sau khi bạn đặt chân đến Việt Nam. Một hành khách ngồi cạnh tôi trên chuyến bay đi Hà Nội đã bị từ chối nhập cảnh vì hộ chiếu của anh ấy chỉ còn hạn hơn 5 tháng. Cán bộ hải quan ở Việt Nam rất nghiêm khắc trong việc này.

 
Hộ chiếu phải còn hạn ít nhất 6 tháng.

9. Có nhiều cách xin visa: Bạn có thể gửi hộ chiếu qua đường bưu điện đến đại sứ quán Việt Nam ở Washington DC, và mất khoảng 1 tháng để có visa. Bạn cũng có thể xin visa khi đến nơi, nhưng bạn cần có thư chấp thuận thị thực qua dịch vụ thị thực nhập cảnh với giá khoảng 50 USD.

10. Mua sim điện thoại của Việt Nam khi tới nơi:  Bạn có thể mua một chiếc sim điện thoại ngay tại sân bay. Khi dùng hết, bạn có thể mua thẻ ở bất kỳ góc phố nào. Bạn cũng có thể dùng các ứng dụng miễn phí để gọi điện, nhắn tin nếu có Wi-Fi. Tuy nhiên, nên nhớ tắt dịch vụ roaming trước khi dùng Wi-Fi.