Tiết trời hanh khô cuối năm mà chinh phục động Ngườm Ngao sẽ cảm nhận được trọn vẹn kiệt tác thiên nhiên Cao Bằng



HA
Hải Anh

Cao Bằng là một trong những tỉnh miền núi phía Bắc có nhiều kiệt tác thiên nhiên nổi tiếng như thác Bản Giốc, hang Pác Bó... Những năm gần đây, các tín đồ du lịch rỉ tai nhau chinh phục động Ngườm Ngao - địa điểm mới nổi ở Cao Bằng.

Động Ngườm Ngao còn gọi là động Ngao hay Ngườm Ngao, được du khách biết đến nhiều những năm gần đây. Chiếc động này tọa lạc tại bản Gun, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Động Ngườm Ngao chỉ cách thác Bản Giốc khoảng 5 km nên hợp cùng mới địa điểm này tạo nên một quần thể du lịch vô cùng tuyệt đẹp, xứng đáng là kiệt tác thiên nhiên hiếm có của vùng đất Cao Bằng. 


(Ảnh: Transviet Travel)

Theo khảo sát của Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh năm 1995, động Ngườm Ngao có tổng chiều dài 2.144 m, có 3 cửa chính là Ngườm Ngao, Ngườm Lồm và Bản Thuôn và có nhiều nhũ đá, măng đá với các hình dạng vô cùng phong phú, đa dạng. "Ngườm Ngao" theo tiếng Tày có nghĩa là động Hổ (Ngườm là động, Ngao là hổ). Tương truyền xưa trong động có nhiều hổ dữ sinh sống, chúng thường vào các bản xung quanh để bắt gia súc của dân địa phương nên họ đã đặt bẫy bắt hết được hổ, cuộc sống yên lành trở lại.

Hang động này được cho là có lịch sử hình thành từ khoảng 300 triệu năm trước, đến nay vẫn giữ trọn nét đẹp hoang sơ vốn có. Có diện tích rộng lớn với chiều dài lên đến 2.000 m, tuy nhiên động Ngườm Ngao mới chỉ được khai thác khoảng 1 km và chỉ 1 km thôi cũng đã khiến du khách mệt nhoài để khám phá hết toàn bộ vẻ đẹp của hang động này.

Động Ngườm Ngao có vô số khối thạch nhũ khác nhau mang đến một vẻ đẹp hoang sơ và quyến rũ. 3 cửa chính đi vào với lần lượt là cửa Ngườm Ngao, cách chân núi chừng vài trăm bậc thang; Cửa Ngườm Lồm quanh năm mát lạnh và ẩn mình ở dưới khối đá dưới chân núi; Cửa Bản Thuôn nằm phía phía sau núi, ngay sát bản Thuôn của đồng bào Tày.

Không chỉ sở hữu không gian vô cùng rộng lớn với hang động đầy thạch nhũ, Ngườm Ngao còn được thiên nhiên ưu ái ban tặng những dòng suối nước ngầm, cứ đến mùa mưa thì nước lại tràn trên tất cả lối đi, du khách đến thăm dịp này sẽ khó khăn khi lội qua những đoạn nước suối tương đối cao hoặc phải di chuyển bằng những chiếc thuyền gỗ. Những con suối nước ngầm với nước chảy róc rách sẽ mang đến cho bạn âm thanh thật vui tai mà thư thái giữa không gian thiên nhiên của núi rừng.

Vẻ đẹp thạch nhũ động Ngườm Ngao. (Ảnh: Sinhtour, Wikipedia)

Những điểm nổi bật nhất ở động Ngườm Ngao phải kể đến thạch nhũ hình đài sen úp ngược và cây cô đơn ở trong hang động. Khu "tứ trụ" có 4 cột đá dựng thành vách tựa cột chống trời khổng lồ. Khu trung tâm có diện tích rộng nhất và khu châu báu ở vị trí cuối cùng, xuất phát từ việc quy tụ nhiều tảng thạch nhũ lấp lánh, giống như vàng bạc châu báu ẩn giấu mình trong hang động.

Ngoài ra, trong động còn có thạch nhũ hình ruộng bậc thang được làm bằng đá vô cùng hút mắt do quá trình phong hóa và xâm thực tạo nên. Bên cạnh đó là những hình thù trông giống như trên mặt bờ biển đầy cát bị những con sóng đánh vào bờ... Tất cả những khối thạch nhũ trong động hầu như chưa hề có sự can thiếp từ bàn tay của con người, khiến động Ngườm Ngao trở nên cuốn hút và mang một vẻ đẹp hùng vĩ và tráng lệ, khiến du khách ai đến đây cũng phải mê mẩn và say đắm hòa vào thiên nhiên.

Thời tiết của Cao Bằng thường chia thành 2 mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô. Từ tháng 5 đến tháng 9 trong năm là khoảng thời gian mùa mưa, những ánh đèn điện chiếu vào thạch nhũ sẽ tạo nên một vẻ đẹp lung linh, huyền ảo như những viên ngọc sáng lấp lánh. Thời điểm mùa khô từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau nên dịp cuối năm mà đến đây thì sẽ dễ dàng, thuận tiện hơn trong việc đi lại cũng như chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hang động. Ngoài động Ngườm Ngao, dịp cuối năm du khách còn được ngắm nhìn vẻ đẹp của những bông hoa dã quỳ hay hoa tam giác mạch nở khắp những cung đường từ Hà Giang đến Cao Bằng, Lạng Sơn.

Để đến với động Ngườm Ngao, từ thành phố Cao Bằng bạn di chuyển theo đường vượt đèo Mã Phục và cả đèo Khau Liên chừng 60 km. Đến thị trấn Trùng Khánh, bạn tiếp tục đi thêm quãng đường dài gần 30 km thì sẽ bắt gặp thác Bản Giốc hùng vĩ, long lanh. Trên cung đường gần đến thác, đi tiếp theo hướng đường tỉnh lộ 206, bạn sẽ thấy biển chỉ dẫn về động Ngườm Ngao, rẽ vào đó đi một quãng đường gần nữa là tới nơi.

Nếu đi vào mùa hang động ngập nước, lưu ý chuẩn bị đèn pin, trang phục thoải mái, giày thể thao chống nước hoặc dép cao su. Cũng cần chuẩn bị trang phục giữ ấm cơ thể khi đi vào hang, tránh bị cảm lạnh và đem theo dụng cụ y tế cơ bản phòng trừ trường hợp chân tay xây xát. Có thể trang bị thêm túi ngủ, lều bạt, dao đa năng, bật lửa...

Nếu bạn muốn lưu giữ những bức hình thật đẹp của những khối nhũ đá trong hang thì nên dùng máy ảnh chuyên nghiệp có trang bị đến flash mạnh. Nếu chụp hình bằng điện thoại, bạn cũng nên chuẩn bị cho mình những cục sạc dự phòng bởi có thể vào động rồi bạn sẽ chụp mãi mà không chán.

Sau khi tham quan động Ngườm Ngao, đừng quên thưởng thức những món ăn đặc sản của đồng bào vùng cao nơi đây như vịt quay, hạt dẻ, lạp xưởng, măng rừng...

Nguồn: Tổng hợp